Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ Charles Richard cảnh báo, Washington đang đối mặt với kịch bản có thể xảy ra một cuộc chiến hạt nhân với đối thủ ngang hàng.

Tư lệnh Mỹ cảnh báo nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân - 1

Một vụ phóng tên lửa của Nga (Ảnh minh họa: Sputnik).

RT đưa tin, trong một hội nghị do Không quân Mỹ tổ chức hôm 21/9, Đô đốc Charles Richard cho rằng, lần đầu tiên kể từ sau khi Thế chiến II khép lại, Mỹ đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc chiến hạt nhân với một đối thủ ngang hàng.

Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ kêu gọi Washington sẽ cần phải chuẩn bị để phản ứng nhanh chóng trước các đối thủ để bảo vệ lãnh thổ.  

"Tất cả chúng ta trong căn phòng này đều xem xét về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp với một đối thủ có năng lực về vũ khí hạt nhân. Chúng ta đã không phải làm như vậy trong hơn 30 năm. Điều đó (nguy cơ xảy ra cuộc chiến hạt nhân) không còn là lý thuyết nữa", ông Richard nói.

"Nga và Trung Quốc có thể làm tình hình leo thang lên bất cứ mức độ nào trong bất cứ lĩnh vực nào với bất cứ công cụ quyền lực nào trên toàn cầu. Chúng ta chưa phải đối mặt với các đối thủ như vậy trong một thời gian dài", Tư lệnh Mỹ nhận định.

Theo quan điểm của Nga, Mỹ được cho đang thực hiện một cuộc xung đột ủy nhiệm với Moscow ở Ukraine và đang gia tăng cam kết cung cấp vũ khí, tài chính, thông tin tình báo cho Kiev. Căng thẳng giữa 2 quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ đang leo thang dồn dập kể từ sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thường. Học thuyết của Mỹ cho phép thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân trong những hoàn cảnh khắc nghiệt để bảo vệ lợi ích quan trọng của Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại học thuyết hạt nhân của Moscow vào ngày 21/9, tuyên bố rằng Điện Kremlin sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân nếu lãnh thổ Nga bị đe dọa. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cảnh báo rằng Mỹ đang "đứng trước bờ vực" trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine, với việc Washington có nguy cơ vướng vào cuộc đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích Nga về những cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân và khẳng định cuộc chiến sử dụng loại khí tài này sẽ không có bên thắng cuộc.

"Một cuộc chiến hạt nhân là không thể thắng và không nên bao giờ xảy ra", ông Biden nhấn mạnh.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cùng ngày cho rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine lẽ ra không nên xảy ra và cảnh báo nó có thể leo thang thành Thế chiến III.

Hồi tháng 8, Tổng thống Putin từng khẳng định, Nga tin rằng không có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên nổ ra.